Bước tới nội dung

Ngô Ý

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Ngô Ý
Tên chữTử Viễn
Thông tin cá nhân
Sinh
Ngày sinh
thế kỷ 2
Nơi sinh
Khai Phong
Mất
Ngày mất
237
Nơi mất
Hán Trung
Giới tínhnam
Gia quyến
Anh chị em
Ngô hoàng hậu
Quốc tịchThục Hán

Ngô Ý (chữ Hán: 吴懿) hay Ngô Nhất (吴壹, ? – 237), tên tự là Tử Viễn (子远), người quận Trần Lưu, Duyện Châu [1], là tướng lĩnh, ngoại thích nhà Thục Hán thời Tam Quốc trong lịch sử Trung Quốc.

Thân thế

[sửa | sửa mã nguồn]

Vì kiêng húy của Tư Mã Ý nên sử cũ đều chép tên của ông là Nhất.

Ngô Ý mồ côi cha từ nhỏ. Vì cha của Ý là bạn cũ của Lưu Yên, nên Ý đem cả nhà theo Yên vào Thục. Có thầy tướng nói em gái của Ý có tướng đại quý, Yên bèn lấy làm vợ của con trai mình là Mạo. Mạo mất, em gái Ý ở góa. Sau khi Lưu Bị chiếm được Ích Châu, lấy em gái Ý làm phu nhân, tức là Mục hoàng hậu của nhà Thục Hán.

Cuộc đời và sự nghiệp

[sửa | sửa mã nguồn]

Thời Lưu Chương, Ngô Ý được làm Trung lang tướng, đem quân chống lại Lưu Bị ở Phù Thành, ra hàng, được làm Thảo nghịch tướng quân[2].

Năm Chương Vũ đầu tiên (221), được làm Quan Trung đô đốc[3].

Năm Kiến Hưng đầu tiên (223), được phong Đô đình hầu [4].

Năm thứ 6 (228), Ngô Ý theo Gia Cát Lượng ra Kỳ Sơn [5].

Năm thứ 8 (230), Ngô Ý cùng Ngụy Diên vào địa giới Nam An, phá tướng Ngụy là Phí Dao, được dời phong Đình hầu, rồi tiến phong Cao Dương hương hầu, thăng làm Tả tướng quân [3].

Năm thứ 9 (231), Ngô Ý trong số các đại thần kiến nghị bãi truất Lý Nghiêm[6].

Năm thứ 12 (234), Gia Cát Lượng mất, Lưu Thiện lấy Ngô Ý làm Đốc Hán Trung, Xa kỵ tướng quân, giả tiết, lĩnh Ung Châu thứ sử, tiến phong Tế Dương hầu. Năm thứ 15 (237), ông mất, không rõ bao nhiêu tuổi[3].

Hậu nhân

[sửa | sửa mã nguồn]

Ngô Ý có cháu nội là Ngô Kiều, sống ở Thục dưới thời Thành Hán, mà không chịu khất phục chánh quyền của Lý Hùng [7].

Tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]

Chú thích

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ Quận trị nay là Khai Phong, Hà Nam
  2. ^ Thường Cừ, tlđd, quyển 5 Công Tôn Thuật, Lưu nhị mục chí: Năm (Kiến An) thứ 18, Chương sai tướng là bọn Lưu Hội, Lãnh Bao, Trương Nhiệm, Đặng Hiền, Ngô Ý cự Lưu chủ ở Phù, đều phá bại, về giữ Miên Trúc. Ý đến (gặp Lưu Bị) xin hàng, được bái làm Thảo nghịch tướng quân
  3. ^ a b c Trần Thọ, tlđd, quyển 45, Thục thư 15 – Dương Hý truyện
  4. ^ Thường Cừ, tlđd, quyển 7, Lưu hậu chủ chí: Tháng 5, mùa hạ, năm Kiến Hưng đầu tiên, Hậu chủ tức vị,... cùng Ngụy Diên, Ngô Ý, đều phong Đô đình hầu.
  5. ^ Trần Thọ, tlđd, quyển 39, Thục thư 9 – Mã Lương truyện: Năm Kiến Hưng thứ 6, Lượng xuất quân hướng đến Kỳ Sơn, khi ấy có túc tướng là bọn Ngụy Diên, Ngô Ý, người bàn luận đều nói nên lệnh (cho họ) làm tiên phong.
  6. ^ Trương Chú, tlđd, quyển 1, Công văn thượng thượng thư: Liền cùng bọn Hành trung quân sư Xa kỵ tướng quân Đô hương hầu thần Lưu Diễm, Sứ trì tiết Tiền quân sư Chinh tây đại tướng quân lĩnh Lương Châu thứ sử Nam Trịnh hầu thần Ngụy Diên, Tiền tướng quân Đô đình hầu thần Viên Lâm, Tả tướng quân lĩnh Kinh Châu thứ sử Cao Dương hương hầu thần Ngô Ý... nghị, liền giải nhiệm của Bình, miễn quan lộc, tiết truyền, ấn thụ, phù sách, tước cờ tước đất.
  7. ^ Bùi Tùng Chi chú giải Trần Thọ, tlđd, quyển 34, Thục thư 4 – Tiên chủ Mục hoàng hậu truyện dẫn Tôn ThịnhThục Thế Phổ: "Cháu nội Nhất là Kiều, sống dưới quyền Lý Hùng 30 năm, không chịu khuất phục Hùng."