Bước tới nội dung

Tây Ninh

Tây Ninh
Tỉnh
Tỉnh Tây Ninh
Biểu trưng
Từ trái sang phải, từ trên xuống dưới: Hồ Dầu Tiếng; đỉnh núi Bà Đen; Vincom Plaza Tây Ninh, tòa nhà cao nhất tỉnh Tây Ninh; Cầu Quan nhìn từ phía Cầu Mới; Tòa Thánh Tây Ninh.

Biệt danhThủ phủ bánh tráng phơi sương
Vùng đất thánh Cao Đài
Hành chính
Quốc gia Việt Nam
Vùng
Tỉnh lỵThành phố Tây Ninh
Trụ sở UBND136 Trần Hưng Đạo, phường 2, thành phố Tây Ninh
Phân chia hành chính1 thành phố, 2 thị xã, 6 huyện
Thành lập1836
Đại biểu Quốc hội6 đại biểu
Tổ chức lãnh đạo
Chủ tịch UBNDNguyễn Thanh Ngọc
Hội đồng nhân dân52 đại biểu
Chủ tịch HĐNDNguyễn Thành Tâm
Chủ tịch UBMTTQVõ Đức Trong
Chánh án TANDNguyễn Thị Tuyết Vân
Viện trưởng VKSNDNgô Văn Hối
Bí thư Tỉnh ủyNguyễn Thành Tâm
Địa lý
Tọa độ: 11°22′04″B 106°07′08″Đ / 11,367795°B 106,119003°Đ / 11.367795; 106.119003
MapBản đồ tỉnh Tây Ninh
Vị trí tỉnh Tây Ninh trên bản đồ Việt Nam
Vị trí tỉnh Tây Ninh trên bản đồ Việt Nam
Vị trí tỉnh Tây Ninh trên bản đồ Việt Nam
Diện tích4.041,65 km²[1][2]:90
Dân số (2022)
Tổng cộng1.383.900 người[2]:93
Thành thị584.600 người (42,24%)[2]:99
Nông thôn799.300 người (57,76%)[2]:101
Mật độ342 người/km²[2]:90
Dân tộcViệt (98,31%), dân tộc khác (1,69%)
Kinh tế (2022)
GRDP118.387 tỉ đồng (5,02 tỉ USD)
GRDP đầu người86,1 triệu đồng (3.701 USD)
Khác
Mã địa lýVN-37
Mã hành chính72[3]
Mã bưu chính84xxxx
Mã điện thoại276
Biển số xe70
Số điện thoại(0276) 382 2469
E-mail
  • vpubnd@tayninh.gov.vn
  • toweb@tayninh.gov.vn
Websitetayninh.gov.vn

Tây Ninh là một tỉnh thuộc vùng Đông Nam Bộ, Việt Nam.

Tây Ninh nằm ở vị trí cầu nối giữa Thành phố Hồ Chí Minh và thủ đô Phnôm Pênh, vương quốc Campuchia và là một trong những tỉnh nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Tỉnh có thành phố Tây Ninh nằm cách Thành phố Hồ Chí Minh 99 km theo đường Quốc lộ 22, cách biên giới Campuchia 40 km về phía Tây Bắc. Tỉnh lỵ của Tây Ninh nằm ở thành phố Tây Ninh.

Vùng đất Tây Ninh từ thời xưa vốn là một vùng đất thuộc Thủy Chân Lạp, với tên gọi là Romdum Ray, có nghĩa là "Chuồng Voi" vì nơi đây chỉ có rừng rậm với muôn thú dữ như cọp, voi, beo, rắn,... cư ngụ. Những người thổ dân ở đây sống rất thiếu thốn, cơ cực cho đến khi người Việt đến khai hoang thì vùng đất này mới trở nên phát triển.

Địa lý

[sửa | sửa mã nguồn]

Tây Ninh nối cao nguyên Nam Trung Bộ với đồng bằng sông Cửu Long, vừa mang đặc điểm của một cao nguyên, vừa có dáng dấp, sắc thái của vùng đồng bằng, tọa độ của tỉnh từ 10°57’08’’ đến 11°46’36’’ vĩ độ Bắc và từ 105°48’43" đến 106°22’48’’ kinh độ Đông,[4] có vị trí địa lý:

Tỉnh Tây Ninh có đường biên giới dài 240 km với 3 cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, Xa MátTân Nam, các cửa khẩu quốc gia: Chàng Riệc, Kà Tum, Phước Tân và nhiều cửa khẩu tiểu ngạch.[5]

Điều kiện tự nhiên

[sửa | sửa mã nguồn]

Địa hình

[sửa | sửa mã nguồn]

Như các tỉnh thành Đông Nam Bộ khác, Tỉnh Tây Ninh cũng là vùng có địa hình chuyển tiếp từ cao nguyên Nam Trung Bộ xuống đồng bằng sông Cửu Long, đất đai tương đối bằng phẳng. Địa hình vừa mang đặc điểm của một cao nguyên, vừa có dáng dấp, sắc thái của vùng đồng bằng, Tây Ninh có nhiều vùng địa hình khác nhau như:

  • Vùng địa hình núi (núi Bà Đen cao 986 m, cao nhất Nam Bộ Việt Nam; núi Phụng: 435 m; núi Heo: 289 m và đồi 82: 82 m)
  • Vùng bán bình nguyên < 50 m lượn sóng yếu xen lẫn bưng bàu trũng ở các huyện phía Nam như Gò Dầu, thị xã Trảng Bàng.
  • Vùng gò đồi dưới 150m có đỉnh rộng dốc thoải nối tiếp nhau phân bố tại thượng nguồn Hồ Dầu Tiếng, Tân Châu, Tân Biên và phía bắc thành phố Tây Ninh.
  • Vùng địa hình thung lũng bãi bồi dưới 2 m tập trung dọc sông Vàm Cỏ Đông và phía tây huyện Bến Cầu.

Nhìn chung địa hình của Tây Ninh bằng phẳng hơn so với các tỉnh thuộc Đông Nam Bộ khác (trừ thành phố Hồ Chí Minh), cao độ trung bình toàn tỉnh khoảng 35m so với mực nước biển.

Khí hậu

[sửa | sửa mã nguồn]

Khí hậu Tây Ninh tương đối ôn hoà thuộc dạng khí hậu nhiệt đới gió mùa, chia thành 2 mùa rõ rệt là mùa mưamùa khô. Mùa khô thường kéo dài từ tháng 12 năm trước đến tháng 4 năm sau, mùa mưa bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 11. Nhiệt độ tương đối ổn định, đầu mùa khô đến giữa mùa thời tiết thường se lạnh và khô hanh ở phía bắc và trung tâm ở mức ban đêm thường dưới 20 °C ở tỉnh cuối mùa thời tiết nóng khô có thể lên trên 38 °C biên độ nhiệt ngày và đêm cao khoảng 10~14 °C vào mùa mưa độ ẩm cao mưa nhiều nhiệt độ ban ngày thường ở mức 30~34 °C và ban đêm ở mức 23~ 26 °C biên độ nhiệt thấp, với nhiệt độ trung bình năm là 25,5– 27 °C, thấp kỷ lục là 11,3 °C và cao kỷ lục là 40 °C và thấp nhất là 17,6 °C vào tháng 12 đến tháng 2 năm sau cao nhất là 38 °C kéo dài từ tháng 4 đến tháng 5 ít thay đổi,nhiệt độ thấp gần đây 11,3 độ C năm 1999 và gần đây nhất là 2021 với nhiệt độ đo được là 16 độ C Lượng mưa trung bình hàng năm từ 1800 – 2200 mm. Mặt khác, Tây Ninh nằm sâu trong lục địa, có địa hình cao núp sau Dãy Trường Sơn chính vì vậy ít chịu ảnh hưởng của bão vào tháng 6 -> 8 gió tây nam hoạt động mạnh kéo theo nhưng cơn bão, gió rất mạnh kèm theo mưa đá ở những vùng cao phía bắc và trung tâm và những yếu tố thuận lợi khác. Với lợi thế đó là những điều kiện thuận lợi để phát triển nền nông nghiệp đa dạng, đặc biệt là các loại cây ăn quả, cây công nghiệp, cây dược liệu và chăn nuôi gia súc.[6]

Thổ nhưỡng

[sửa | sửa mã nguồn]

Tây Ninh có tiềm năng dồi dào về đất, trên 96% quỹ đất thuận lợi cho phát triển cây trồng các loại, từ cây trồng nước đến cây công nghiệp ngắn ngày và dài ngày, cây ăn quả các loại. Đất đai Tây Ninh có thể chia làm 5 nhóm đất chính với 15 loại đất khác nhau. Trong đó, nhóm đất xám chiếm trên 84%, đồng thời là tài nguyên quan trọng nhất để phát triển nông nghiệp. Ngoài ra, còn có nhóm đất phèn chiếm 6,3%, nhóm đất cỏ vàng chiếm 1,7%, nhóm đất phù sa chiếm 0,44%, nhóm đất than bùn chiếm 0,26% tổng diện tích. Đất lâm nghiệp chiếm hơn 10% diện tích tự nhiên[6].

Sông ngòi

[sửa | sửa mã nguồn]

Tây Ninh có hồ Dầu Tiếng giúp cân bằng sinh thái, phục vụ tưới tiêu trong nông nghiệp, cung cấp nước cho nuôi trồng thủy sản, sinh hoạt tiêu dùng và cho sản xuất công nghiệp. Nguồn nước ngầm ở Tây Ninh phân bố rộng khắp trên địa bàn, bảo đảm chất lượng cho sản xuất và đời sống của người dân.[6] Cách thành phố Tây Ninh 20 km là điểm du lịch nằm tuyến liên hoàn giữa thành phố Tây Ninh - Toà Thánh Tây Ninh - núi Bà Đen. Hồ có diện tích 27.000 ha, có sức chứa 1,5 tỷ m³ nước tưới cho đồng ruộng tỉnh và các tỉnh lân cận.

Lịch sử

[sửa | sửa mã nguồn]
phủ Tây Ninh trong bản đồ tỉnh Gia Định thời Pháp xâm chiếm 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ năm 1865.

Năm 1802, vua Gia Long lên ngôi, đồng thời đổi tên phủ Gia Định thành trấn Gia Định.

Năm 1808, trấn Gia Định đổi lại đổi là thành Gia Định, gồm có 5 trấn là Phiên An, Biên Hòa, Vĩnh Thanh, Định TườngHà Tiên.

Năm 1832, vua Minh Mạng định tiếp tục tổ chức hành chánh ở Gia Định, từ 5 trấn chia thành 6 tỉnh gồm có Phiên An tỉnh thành (tức trấn Phiên An cũ), Tỉnh Biên Hòa (trấn Biên Hòa cũ), Tỉnh Định Tường (trấn Định Tường cũ), Tỉnh Vĩnh Long (trấn Vĩnh Thanh cũ), Tỉnh An Giang, Tỉnh Hà Tiên. Lúc bấy giờ, vùng đất Tây Ninh thuộc Phiên An tỉnh thành.[7]

Năm 1836, chuẩn tấu lời tâu của đình thần Trương Minh Giảng và Trương Đăng Quế, vua Minh Mạng cho đổi tỉnh Phiên An thành tỉnh Gia Định gồm có 3 phủ, 7 huyện. Các phủ là Phủ Tân Bình có 3 huyện, Phủ Tân An có 2 huyện, Phủ Tây Ninh có 2 huyện là: huyện Tân Ninh và huyện Quang Hóa.

Phủ Tây Ninh: phía Bắc giáp Cao Miên (qua núi Chiêng, tức núi Bà Đen), phía Đông giáp huyện Bình Long phủ Tân Bình, phía Nam giáp huyện Bình Dương phủ Tân Bình và huyện Cửu An phủ Tân An, nguyên là đạo Quang Phong. Năm Minh Mạng thứ 19 (1838), bỏ đạo lập phủ với tên gọi phủ Tây Ninh, quản lý 2 huyện (với 7 tổng có 56 làng xã):

  • Huyện Tân Ninh, lỵ sở kiêm phủ thành nằm ở thôn Khang Ninh (nay thuộc thị xã Tây Ninh), phía Bắc giáp Cao Miên (qua núi Chiêng), phía Đông giáp huyện Bình Long phủ Tân Bình, phía Nam giáp huyện Bình Long phủ Tân Bình và huyện Quang Hóa cùng phủ Tây Ninh, phía Tây giáp huyện huyện Kiến Hưng tỉnh Định Tường và giáp nước Cao Miên. Huyện Tân Ninh, được đặt ra năm Minh Mạng thứ 17 (1836), theo Đại Nam nhất là quản lý 2 tổng (nhưng có lẽ là 3 tổng), là tổng Hàm Ninh Thượng và tổng Kiếm Hoa với 24 làng xã.[8] Phần đất huyện Tân Ninh phủ Tây Ninh nhà Nguyễn nay có thể là địa phận phía Bắc của tỉnh Tây Ninh ngày nay (tức năm 2011) (thành phố Tây Ninh, huyện Tân Biên, huyện Châu Thành,...) và có thể bao gồm cả một phần đất phía Bắc của tỉnh Svay Rieng (khúc giữa tỉnh Svay Rieng) Campuchia, vì mô tả trên theo Đại Nam nhất thống chí: Tân Ninh còn tiếp giáp với cả huyện Kiến Hưng phủ Kiến An tỉnh Định Tường nhà Nguyễn, vốn chỉ nằm bên bờ Tây sông Vàm Cỏ Tây, cách địa bàn tỉnh Tây Ninh ngày nay (phần từng là đất huyện Tân Ninh) qua địa bàn tỉnh Svay Rieng.

Năm 1890, sau khi lập Liên bang Đông Dương, người Pháp trích một phần đất hạt Tây Ninh (hạt Tây Ninh nguyên là toàn bộ phủ Tây Ninh) là phần đất dọc theo rạch Ngã Bát cho Campuchia thuộc Pháp, trong đó có lẽ gồm cả phần đất tỉnh Svay Rieng (tức tỉnh Soài Riêng) đề cập đến ở trên. Các bản đồ của người Pháp thể hiện xứ Nam Kỳ thuộc Pháp, vẽ với kỹ thuật Tây phương khá chính xác, vào các năm 18721886 (trước khi thành lập Liên bang Đông Dương năm 1887) đều thể hiện vùng lồi Svay Rieng thuộc đất Nam Kỳ (Cochinchine).

  • Huyện Quang Hóa, phía Bắc giáp huyện Tân Ninh cùng phủ Tây Ninh, phía Đông giáp huyện Tân Ninh, phía Nam giáp huyên Tân Ninh và huyện Cửu An phủ Tân An, phía Tây giáp huyện Kiến Hưng phủ Kiến An tỉnh Định Tường nhà Nguyễn. Lỵ sở trước đặt ở thôn Cẩm Giang sau chuyển sang thôn Long Giang, quản lý 4 tổng (Hàm Ninh Hạ (Ham Ninh Ha tong), Mộc Hóa (Moc Hoa tong), Giải Hóa (Giải Hoa tong), Mỹ Ninh (Mi Nin tong)) với 32 làng xã.[8] Đất huyện Quang Hóa phủ Tây Ninh nhà Nguyễn nay có thể là địa phân các huyện phía Nam tỉnh Tây Ninh (như Bến Cầu, Gò Dầu, Trảng Bàng,...), các huyện Đông Bắc tỉnh Long An (như Đức Huệ, Hậu Nghĩa, Mộc Hóa[9],...) và phần phía Nam của tỉnh Svay Rieng Campuchia.

Theo Đại Nam thực lục thì vào khoảng tháng 3 âm lịch năm 1845, Cao Hữu Dực (quyền Tuyên phủ sứ Tây Ninh) cho chiêu mộ dân trong phủ Tây Ninh lập ra 26 thôn làng: Tiên Thuận, Phúc Hưng, Phúc Bình, Vĩnh Tuy, Phúc Mỹ, Long Thịnh, Long Khánh, Long Giang, Long Thái, An Thịnh, Khang Ninh, Vĩnh An, An Hòa, Gia Bình, Long Bình, Hòa Bình, Long Định, Phú Thịnh, Thái Định, Hòa Thuận, An Thường, Thuận Lý, Thiên Thiện, Hướng Hóa, Định Thái, Định Bình, đều thuộc phủ Tây Ninh. Vua Thiệu Trị phê chuẩn quyết định này.[10]

Năm 1861, Sau khi thực dân Pháp chiếm Tây Ninh, việc cai quản ở 2 huyện được thay thế bằng 2 Đoàn Quân sự[11] đặt tại Trảng Bàng và Tây Ninh.

Bản đồ hành chính hạt Tham biện Tây Ninh của Nam Kỳ thuộc Pháp khoảng năm 1896 - 1898

Năm 1868, hai đoàn Quân sự được thay thế bằng hai Ty Hành chánh[12]. Sau nhiều lần thay đổi, năm 1897 Tây Ninh gồm có 2 quận là Thái Bình, Trảng Bàng, trong đó có 10 tổng, 50 làng. Đứng đầu tỉnh Tây Ninh lúc này (1897) là chánh tham biện Seville. Ngày 1 tháng 1 năm 1900, Toàn quyền Paul Doumer cho áp dụng nghị định ký ngày 20 tháng 12 năm 1899 đổi các khu tham biện (inspections) là tỉnh (province). Thời Pháp thuộc, Nam Kỳ được chia làm 20 tỉnh để cai trị và sau đó Cap St. Jacques (Vũng Tàu) tách ra thành tỉnh thứ 21. Tây Ninh lúc đó là tỉnh thứ 12. Chủ tỉnh đầu tiên là O. de Lalande-Calan.

Ngày 9 tháng 12 năm 1942, Thống đốc Nam kỳ ban hành Nghị định số 8345 ấn định ranh giới Tây Ninh.

Sau Cách mạng Tháng Tám tỉnh Tây Ninh vẫn giữ nguyên ranh giới cũ.

Năm 1950, cắt một phần đất của xã Thái Hiệp Thạnh cũ thành lập thị xã Tây Ninh, nhưng do chưa đủ điều kiện hoạt động nên sau đó giải thể.

Sau hiệp định Giơnevơ năm 1954, thành lập lại Thị xã Tây Ninh trên địa bàn cũ, do Võ Văn Truyện làm Bí thư Đảng kiêm Chủ tịch Uỷ ban hành chính.

Năm 1957, tỉnh Tây Ninh chia thành 3 quận gồm có Châu Thành, Gò Dầu Hạ, Trảng Bàng.

Năm 1959, quận Châu Thành chia thành 2 quận Phước NinhPhú Khương; quận Gò Dầu Hạ chia thành 2 quận Hiếu Thiện và Khiêm Hanh.

Năm 1960, Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam được thành lập tại làng Tân Lập, Tây Ninh. Đây cũng là trụ sở của Mặt trận từ năm 1960 đến 1966

Năm 1961, quận Trảng Bàng đổi tên thành quận Phú Đức.

Năm 1963, quận Phú Đức được giao cho tỉnh Hậu Nghĩa và đổi lại tên cũ là Trảng Bàng. Từ đó đến năm 1975, tỉnh Tây Ninh có 4 quận:

  • Quận Phước Ninh có 15 xã; quận lỵ đặt tại Bến Sỏi, sau dời đến ngã ba Tầm Long
  • Quận Phú Khương có 11 xã; quận lỵ đặt tại Suối Đá, sau dời đến chợ Long Hoa
  • Quận Hiếu Thiện có 15 xã; quận lỵ đặt tại Gò Dầu Hạ
  • Quận Khiêm Hanh có 5 xã; quận lỵ đặt tại Bàu Đồn.

Năm 1968, Liên minh các Lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hòa bình Việt Nam cũng được thành lập tại Tây Ninh

Năm 1969, Cộng hòa Miền Nam Việt Nam ra đời tại Tây Ninh và được xem là thủ đô đầu tiên.

Sau năm 1975, tỉnh Tây Ninh có thị xã Tây Ninh và 7 huyện: Bến Cầu, Châu Thành, Dương Minh Châu, Gò Dầu, Phú Khương, Tân Biên, Trảng Bàng.

Ngày 14 tháng 3 năm 1979, đổi tên huyện Phú Khương thành huyện Hòa Thành.[13]

Ngày 13 tháng 5 năm 1989, tách một phần các huyện Tân Biên và Dương Minh Châu để thành lập huyện Tân Châu.[14]

Ngày 29 tháng 12 năm 2013, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 135/NQ-CP thành lập thành phố Tây Ninh trên cơ sở toàn bộ diện tích và dân số của thị xã Tây Ninh.[15]

Ngày 10 tháng 1 năm 2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 865/NQ-UBTVQH14 (nghị quyết có hiệu lực từ ngày 1 tháng 2 năm 2020).[16] Theo đó, thành lập hai thị xã Hòa ThànhTrảng Bàng trên cơ sở toàn bộ diện tích và dân số của hai huyện có tên tương ứng. Kể từ ngày hôm đó, tỉnh Tây Ninh có 1 thành phố, 2 thị xã và 6 huyện như hiện nay.

Hành chính

[sửa | sửa mã nguồn]

Tỉnh Tây Ninh có 9 đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc, bao gồm 1 thành phố, 2 thị xã và 6 huyện với 94 đơn vị hành chính cấp xã, bao gồm 17 phường, 6 thị trấn và 71 xã.[16]

Danh sách các đơn vị hành chính trực thuộc tỉnh Tây Ninh[17]
Tên Diện tích (km²) (2020) Dân số (người) (2019) Mật độ dân số (người/km²) Năm thành lập Loại đô thị Hành chính
Thành phố (1)
Tây Ninh 139,92 135.254 966,7 2013 Loại III 7 phường, 3 xã
Thị xã (2)
Hòa Thành 82,92 138.626 1.671,7 2020 Loại IV 4 phường, 4 xã
Trảng Bàng 340,14 179.494 527,7 2020 Loại IV 6 phường, 4 xã
Huyện (6)
Bến Cầu 264 70.397 296,4 1959 1 thị trấn, 8 xã
Châu Thành 580,94 141.822 244,1 1975 1 thị trấn, 14 xã
Dương Minh Châu 435,60 120.042 275,6 1989 1 thị trấn, 10 xã
Gò Dầu 260 153.904 592 1955 1 thị trấn, 8 xã
Tân Biên 861 102.991 119,6 1949 1 thị trấn, 9 xã
Tân Châu 1.103,20 153.799 123,1 1989 1 thị trấn, 11 xã

Theo quyết định Quy hoạch số 241/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong giai đoạn 2021 – 2025: thành phố Tây Ninh sẽ từ đô thị loại III lên đô thị loại II; thị xã Hòa Thànhthị xã Trảng Bàng từ đô thị loại IV lên đô thị loại III; thị trấn Gò Dầu huyện Gò Dầuthị trấn Bến Cầu huyện Bến Cầu sẽ đô thị loại IV. Trong đó, huyện Bến Cầu sẽ thành lập thị xã Bến Cầu. Đến giai đoạn 2026 – 2030, thị trấn Gò Dầu huyện Gò Dầu tiếp tục tiến lên đô thị loại III và huyện Dương Minh Châu thành lập thị xã Dương Minh Châu.[18]

Kinh tế - xã hội

[sửa | sửa mã nguồn]
Hình ảnh núi Bà Đen từ trung tâm thành phố Tây Ninh.

Năm 2018, Tây Ninh là đơn vị hành chính Việt Nam đông thứ 37 về số dân, xếp thứ 28 về Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP), xếp thứ 14 về GRDP bình quân đầu người, đứng thứ 32 về tốc độ tăng trưởng GRDP. Với 1.133.400 người dân,[19] GRDP đạt 71.166 tỉ Đồng (tương ứng với 3,0908 tỉ USD), GRDP bình quân đầu người đạt 62,79 triệu đồng (tương ứng với 2.727 USD), tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 8,01%.[20]

Trong kỳ họp đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Tây Ninh năm 2022, tổng sản phẩm trong tỉnh ước tính đạt 55.914 tỷ đồng, tăng 8,84% so với cùng kỳ. GRDP bình quân đầu người đạt 3.700 USD.[21] Định hướng phát triển thời gian tới, tỉnh Tây Ninh xác định mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng và đến năm 2030 phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.[22]

Tỉnh Tây Ninh được xem là một trong những cửa ngõ giao lưu về quốc tế quan trọng giữa Việt Nam với Campuchia, Thái Lan,… Đồng thời tỉnh có vị trí quan trọng trong mối giao lưu trao đổi hàng hoá giữa các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và các tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Trong năm 2022, tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của Tây Ninh đạt 9,56%, xếp thứ 16 cả nước và đứng thứ nhất trong các vùng kinh tế trọng điểm Nam bộ. Trong đó, tổng doanh thu du lịch tăng 130%, đạt 1.400 tỷ đồng và lượng khách du lịch tăng 200%, đạt 4,5 triệu lượt. Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen cũng trở thành 1 trong 5 điểm đến thu hút nhiều khách du lịch nhất cả nước.[23]

Nông nghiệp

[sửa | sửa mã nguồn]

Trong 3 tháng đầu năm 2012, phát triển ở mức tương đối, lĩnh vực nông nghiệp vẫn tiếp tục là thế mạnh, một số lĩnh vực đạt kết quả khả quan như thu ngân sách đạt dự toán, đảm bảo tiến độ thực hiện và đáp ứng các nhiệm vụ chi theo dự toán được giao, chỉ số giá tiêu dùng được kéo giảm, đầu tư phát triển trên địa bàn do được tập trung chỉ đạo nên thực hiện có hiệu quả, các dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai.[24] Thu ngân sách nhà nước đạt trên 1.133 tỷ đồng, Tổng nguồn vốn tín dụng của hệ thống ngân hàng ước trên 21.880 tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ, Tổng kim ngạch xuất khẩu ước thực hiện 287 triệu USD, tăng trên 22% so với cùng kỳ. Tốc độ tăng trưởng bình quân GDP của Tây Ninh hàng năm đạt 14%, GDP bình quân đầu người đạt năm 2010 đạt 1.390 USD.[25]

Công nghiệp

[sửa | sửa mã nguồn]
Khu công nghiệp Phước Đông.
Khu công nghiệp Phước Đông.

Ngành công nghiệptiểu thủ công nghiệp của Tây Ninh ngày càng phát triển vững chắc đồng thời đã xây dựng được hệ thống các nhà máy chế biến nông sản tại các vùng chuyên canh như các nhà máy mía đường, các nhà máy chế biến bột củ mì, các nhà máy chế biến mủ cao su, từng bước xây dựng các khu công nghiệp trong tỉnh.[24]

Giáo dục

[sửa | sửa mã nguồn]

Tính đến thời điểm ngày 30 tháng 9 năm 2011, trên địa bàn toàn tỉnh Tây Ninh có 410 trường học ở cấp phổ trong đó có Trung học phổ thông có 31 trường, Trung học cơ sở có 106 trường, Tiểu học có 271 trường, chuyên 1 trường, bên cạnh đó còn có 116 trường mẫu giáo[26]. Với hệ thống trường học như thế, nền giáo dục trong địa bàn Tỉnh Tây Ninh cũng tương đối hoàn chỉnh, góp phần giảm thiểu nạn mù chữ trong địa bàn tỉnh[26].

Trường THPT loại 2 có chất lượng tốt nhất là THPT Lý Thường Kiệt tại 354, Đường Lý Thường Kiệt, Khu phố 4, Phường Long Hoa, Thị xã Hòa Thành, Tỉnh Tây Ninh.Trường là một trong những cơ sở giáo dục lâu đời đã và đang đào tạo ra nhiều thành phần trí thức cho tỉnh.

Một số trường đứng top đầu của tỉnh:

Kiến trúc Chàm, nền văn minh Chàm và dân tộc Khmer được đánh giá cao như là một xã hội văn minh sớm xuất hiện ở miền Nam Việt Nam. Tây Ninh hiện còn 2 trong 3 tháp cổ ở vùng đất nam bộ của nền văn hóa Óc Eo (Vương quốc Phù Nam tồn tại từ thế kỷ I đến thế kỷ VIII) hầu như còn nguyên vẹn là tháp Chót Mạt ở xã Tân Phong huyện Tân Biên và tháp Bình Thạnh ở xã Phước Bình thị xã Trảng Bàng. Theo thống kê của ban Dân tộc tỉnh Tây Ninh hiện Tây Ninh có 21 dân tộc cùng chung sống, trong đó dân tộc Tà Mun (được cho là hậu duệ của Vương quốc Phù Nam) ở Tây Ninh đang làm thủ tục để công nhận là dân tộc thứ 55 của Việt Nam.[27]

Tây Ninh còn nổi tiếng với các lễ hội:

Cáp treo lên núi Bà Đen.
Khuôn viên Tòa Thánh Tây Ninh, ở Hòa Thành (Tây Ninh).
Thành phố Tây Ninh được chụp từ TTC Plaza Tây Ninh.
Thành phố Tây Ninh được chụp từ TTC Plaza Tây Ninh với các tòa nhà lần lượt từ trái sang phải: MB-BANK, Vincom Plaza Tây Ninh, núi Bà Đen và tháp truyền hình Tây Ninh.

Định hướng phát triển thời gian tới, đến năm 2030, Tây Ninh sẽ phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.[22] Thậm chí, trong dịp Tết Nguyên đán 2022, ngành du lịch Tây Ninh đứng đầu cả nước.[28] Theo báo cáo từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tây Ninh, du lịch Tây Ninh có đến gần 90% du khách đến Tây Ninh để thăm quan Khu du lịch Núi Bà ĐenTòa Thánh Tây Ninh.[29] Tây Ninh nổi tiếng với những phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ và những công trình nhân tạo hoành tráng:

Ngoài ra còn nhiều địa điểm du lịch khác như: thung lũng Ma Thiên Lãnh, chùa Cao Sơn Tự ở huyện Gò Dầu...

Ẩm thực

[sửa | sửa mã nguồn]

Tây Ninh nổi tiếng với các loại đặc sản sau đây:

  • Bánh Tráng phơi sương: Loại đặc sản này ngày nay đã được sản xuất ở nhiều địa phương trong tỉnh và được sản xuất công nghiệp, nhưng nó vẫn gắn liền với địa danh Trảng Bàng. Trước năm 1980, Bánh Tráng Trảng Bàng được sản xuất từ củ sắn (khoai mì). Nhưng ngày nay thì chỉ được sản xuất từ lúa gạo. Để làm ra Bánh Tráng phơi sương phải qua nhiều công đoạn khá công phu và cầu kỳ.
  • Bánh Canh thịt heo Trảng Bàng: Bánh Canh Trảng Bàng là một loại thức ăn nổi tiếng của Tây Ninh có từ rất lâu đời. Nó đã trở thành một sản phẩm du lịch, một điểm dừng chân thân thuộc đối với khách du lịch.
  • Muối tôm: là một đặc sản rất nổi tiếng của Tây Ninh.Ban đầu chỉ có vài hộ gia đình sản xuất nhỏ lẻ, đến nay đã có hơn 100 cơ sở làm các loại sản phẩm muối Tây Ninh, tập trung chủ yếu trên địa bàn huyện Gò Dầu, thị xã Trảng Bàng và thành phố Tây Ninh. Mảnh đất Tây Ninh khắc nghiệt khô cằn chỉ có núi mà không có biển, thiếu cả muối lẫn tôm mà lại sản sinh ra thứ đặc sản nức tiếng này, thật vô cùng kì lạ, đó là một bí quyết, một niềm tự hào của người dân Tây Ninh. Muối tôm, giống như tên gọi có thành phần chính là sự kết hợp giữa tôm và muối. Người dân Tây Ninh nhập nguồn nguyên liệu này về từ các tỉnh ven biển, được chế biến theo một công thức riêng để cho ra đời những hạt muối đậm màu gạch, thơm ngon nổi tiếng trong và ngoài nước.
  • Mãng cầu Bà Đen (trái na): được trồng tại khu vực gần núi Bà Đen của Tây Ninh. Cùng với việc chọn thời vụ canh tác, xử lý ra hoa vào các tháng khác nhau mà trái mãng cầu có quanh năm. Ngay cả các tháng 3-4-5, sản lượng cũng đạt gần 1.000 tấn/tháng. Tỉnh Tây Ninh đã tiến hành đăng ký với Cục Sở hữu Trí tuệ về bảo hộ địa danh dưới hình thức chỉ dẫn địa lý "Bà Đen" cho sản phẩm mãng cầu được trồng ở khu vực núi Bà Đen và vùng phụ cận núi Bà.
  • Thằn lằn núi và ốc núi cũng là đặc sản nỗi tiếng của Tây Ninh
  • Cá Cầy trên sông Vàm cỏ Đông hay cá Lăng trong lòng hồ Dầu Tiếng cũng là những món ăn đặc sản khi đến Tây Ninh.
  • Bánh xèo Lò Gò- Xa Mát: đặc biệt bánh xèo ở đây khác ở các nơi khác là bột làm bằng gạo từ giống lúa xưa của dân tộc Khơ me, nhân bánh là hổn hợp của măng rừng và gà rừng lai, kết hợp với hơn 18 loại rau rừng đặc sản của Vườn Quốc gia.
  • Bò tơ 5 Sánh: Hiện có hơn 25 chi nhánh từ Miền Đông đến Miền tây, bạn sẽ được thưởng thức món thăn tái chanh và bò nướng y không nơi nào sánh bằng. Thịt bò ở đây rất tươi, bò được chọn kỷ lưỡng được vỗ béo theo công thức riêng nên miếng thịt có vị thơm ngon đặc biệt.
  • Bánh tráng trộn: Có lẽ ít ai ngờ tới, món Bánh tráng trộn đang được bày bán ở hầu khắp các nẻo đường trong Nam và ngoài Bắc là một món ăn được chế biến một cách đầy ngẫu nhiên và tình cờ của người dân ở Trảng Bàng.
  • Mãng cầu Bác Ba Sơn (trái na): được trồng tại ngã tư núi quẹo bên tay trái (đường lên Long Điền Sơn), mãng cầu bác ba sơn khác mãng cầu các vườn khác là ngon, ngọt, dai, chắc thịt hơn, được người dân tỉnh Tây Ninh và ngoài tỉnh rất ưa, nếu có dịp đến Tây Ninh đừng quên ghé sang rẫy bác ba sơn để tìm mua mãng cầu tốt, dai, ngon nhất Tây Ninh.
Nơi thờ cúng Bà Đen

Tính đến ngày 1 tháng 4 năm 2019, dân số toàn tỉnh Tây Ninh đạt 1.169.165 người, mật độ dân số đạt 268 người/km²[30] Trong đó dân số sống tại thành thị đạt 207.569 người, chiếm 17,8% dân số toàn tỉnh[31], dân số sống tại nông thôn đạt 961.596 người, chiếm 82,2% dân số[32]. Dân số nam đạt 584.180 người[33], nữ đạt 584.985 người[34]. Tỷ lệ tăng tự nhiên dân số phân theo địa phương tăng 0,92 %[35] Tỷ lệ đô thị hóa tính đến năm 2021 đạt 42%.

Tính đến ngày 1 tháng 4 năm 2019, toàn tỉnh Tây Ninh có 9 tôn giáo khác nhau, nhiều nhất là Đạo Cao Đài có 415.920 người, Công giáo có 45.992 người, Phật giáo có 38.336 người, các tôn giáo khác như Hồi giáo 3.337 người, Tin Lành có 684 người, Phật giáo hòa hảo có 236 người, Minh Sư Đạo có bốn người, Tịnh độ cư sĩ Phật hội Việt Nam có hai người, Bà-la-môn có một người[36].

Theo thống kê của Tổng cục thống kê Việt Nam, tính đến ngày 1 tháng 4 năm 2009, toàn tỉnh Tây Ninh có đủ 29 dân tộc cùng người nước ngoài sinh sống. Trong đó dân tộc Kinh có 1.050.376 người, người Khmer có 7.578 người, người Chăm có 3.250 người, người Xtiêng có 1.654 người, người Hoa có 2.495 người, còn lại là những dân tộc khác như Mường, Thái, Tày...[36]...

Giao thông

[sửa | sửa mã nguồn]
Đường phố Tây Ninh năm 2022.
Đường phố Tây Ninh năm 2022.

Tây Ninh có đường Xuyên Á đi qua với chiều dài gần 28 km, nối Thành phố Hồ Chí Minh với Campuchia thông qua cửa khẩu Mộc Bài. Tây Ninh có 2 tuyến sông chính là tuyến sông Sài Gòn và tuyến sông Vàm Cỏ Đông. Ngoài ra địa bàn tỉnh Tây Ninh còn có cảng sông Bến Kéo nằm trên sông Vàm Cỏ Đông.

Hiện nay, Tây Ninh còn có hai tuyến cao tốc đã được Thủ tướng phê duyệt và đang chờ xây dựng bao gồm: Đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Mộc BàiĐường cao tốc Gò Dầu – Xa Mát.

Năm 2022, UBND tỉnh Tây Ninh đã trình Thủ tướng và Bộ Giao thông vận tải đề xuất bổ sung quy hoạch sân bay Tây Ninh vào quy hoạch sân bay toàn quốc thời kỳ 2030, tầm nhìn 2050.[37]

Danh nhân

[sửa | sửa mã nguồn]
Tên nhân vật Năm sinh Danh hiệu - Chức vụ Ref
Lĩnh vực chính trị
Nguyễn Văn Tâm 1893 – 1990 Thủ tướng Quốc gia Việt Nam
Nguyễn Văn Thương 1938 – 2018 Thiếu tá tình báo, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam
Ngụy Văn Thà 1943 – 1974 Hải quân Việt Nam Cộng hòa
Dương Minh Châu 1912 – 1947 Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Huân chương Độc lập hạng nhất
Nguyễn Tôn Hoàn 1917 – 2001 Bộ trưởng Bộ Thanh niên Quốc gia Việt Nam, Phó Thủ tướng Việt Nam Cộng hòa
Nguyễn Minh Châu 1921 – 1999 Thượng tướng Quân đội nhân dân Việt Nam, Trưởng đại diện Bộ Quốc phòng ở miền Nam
Trình Minh Thế 1922 – 1955 Thiếu tướng Quân đội của đạo Cao Đài, Trung tướng Quân đội Quốc gia Việt Nam
Bùi Thanh Vân 1927 – 1994 Trung ướng, Tư lệnh Quân khu 7 của Quân đội nhân dân Việt Nam [38]
Nguyễn Thới Bưng 1927 – 2014 Trung tướng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng
Nguyễn Văn Đông 1932 – 2018 Đại tá, Bộ Tổng tham mưu Quân lực Việt Nam Cộng hòa
Nguyễn Thanh Tùng 1933 Thiếu tướng Quân đội nhân dân Việt Nam
Đồng Thị Ánh 1947 Chánh án Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh
Trần Nam Phi 1948 Trung tướng Quân đội nhân dân Việt Nam, Chính ủy Tổng cục Tình báo
Nguyễn Văn Rốp 1949 – 2000 Thiếu tướng Công an nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Công an
Nguyễn Thành Cung 1953 – 2022 Thượng tướng Quân đội nhân dân Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng
Nguyễn Châu Thanh 1954 Trung tướng, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Kỹ thuật của Bộ Quốc phòng
Nguyễn Văn Nên 1957 Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh
Nguyễn Thị Quyết Tâm 1958 Nguyên Chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh
Võ Văn Phuông 1960 Nguyên Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương
Trần Lưu Quang 1967 Phó Thủ tướng Chính phủ Việt Nam [39]
Lê Tiến Châu 1969 Bí thư Thành ủy Hải Phòng
Huỳnh Thanh Phương 1978 Đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa 14, 15; Bí thư huyện ủy Gò Dầu
Lĩnh vực nghệ thuật
Năm Đồ 1916 – 1992 Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ cải lương
Lê Dân 1928 – 2016 Nghệ sĩ ưu tú, Đạo diễn điện ảnh
Xuân Hồng 1928 – 1996 Nhạc sĩ, Phó Tổng Thư ký Hội Nhạc sĩ Việt Nam
Hùng Linh 1937 – 2009 Nhạc sĩ nhạc vàng
Thanh Nga 1942 – 1978 Nghệ sĩ ưu tú, Nghệ sĩ cải lương
Trương Quốc Khánh 1947 – 1999 Nhạc sĩ, nhà báonhà biên kịch
Bảo Quốc 1949 Nghệ sĩ ưu tú, Diễn viên hài kịch, Nghệ sĩ cải lương [40]
Châu Thanh 1958 Nghệ sĩ cải lương
Nguyễn Phương Điền 1969 Nghệ sĩ ưu tú, Đạo diễn điện ảnh, Diễn viên, Biên kịch
Cẩm Tiên 1970 Nghệ sĩ ưu tú, Nghệ sĩ cải lương
Ngọc Châu 1994 Vietnam's Next Top Model 2016, Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2022 [41]
Võ Điền Gia Huy 1996 Diễn viên, từng tham gia bộ phim Thưa mẹ con đi
Lĩnh vực khác
Phạm Công Tắc 1890 – 1959 Người sáng lập và kiện toàn đạo Cao Đài
Lê Văn Thới 1917 – 1983 Giáo sư Hóa học
Thẩm Thệ Hà 1923 – 2009 Nhà giáo, nhà vănnhà báo Việt Nam
Nhất Chi Mai 1934 – 1967 Nữ Phật tử tự thiêuhòa bình ở Sài Gòn, kêu gọi chấm dứt Chiến tranh Việt Nam
Triệu Thị Chơi 1946 – 2021 Nhà giáo ưu tú
Trần Quốc Hải 1960 Kỹ sư cơ khí
Phan Thị Kim Phúc 1963 Đại sứ Thiện chí của UNESCO
Nguyễn Nam Hải 1982 Vận động viên, Huấn luyện viên Bóng bàn
Lý Hoàng Nam 1997 Vận động viên Quần vợt

Chú thích

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ “Phê duyệt và công bố kết quả thống kê diện tích đất đai năm 2020”. Quyết định số 387/QĐ-BTNMT 2022. Bộ Tài nguyên và Môi trường (Việt Nam).
  2. ^ a b c d e Tổng cục Thống kê (2022). Niên giám Thống kê Việt Nam năm 2021 (PDF). Nhà Xuất bản Thống kê. Lưu trữ (PDF) bản gốc ngày 1 tháng 8 năm 2022. Truy cập ngày 1 tháng 8 năm 2022.
  3. ^ Tổng cục Thống kê
  4. ^ Tỉnh Tây Ninh thuộc miền Đông Nam bộ Nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam Lưu trữ 2012-11-16 tại Wayback Machine, Website Tỉnh Tây Ninh.
  5. ^ Tỉnh Tây Ninh nằm trong vùng miền Đông Nam Bộ, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ.
  6. ^ a b c Điều kiện tự nhiên và Tài nguyên thiên nhiên của Tỉnh Tây Ninh, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ.
  7. ^ Tây Ninh từng là vùng đất thuộc Tỉnh Phiên An Lưu trữ 2013-05-10 tại Wayback Machine, Nam Kỳ Lục Tỉnh.
  8. ^ a b Đại Nam nhất thống chí, tập 31, trang 198.
  9. ^ “Lịch sử huyện Mộc Hóa tỉnh Long An”. Bản gốc lưu trữ ngày 28 tháng 2 năm 2015. Truy cập ngày 28 tháng 7 năm 2013.
  10. ^ Đại Nam thực lục, chính biên, đệ tam kỷ, quyển XLVII, tập 6, trang 721-722.
  11. ^ Theo Bulletin officiel de l'Expédition de Cochinchine 1861, chỉ huy hai đoàn quân sự Pháp lần lượt là Guys (Tây Ninh) và Frémiet (Trảng Bàng)
  12. ^ Theo Bulletin officiel de l'Expédition de Cochinchine 1868, đứng đầu 2 Ty Hành chính ở Tây Ninh lần lượt là Lacaze (Trảng Bàng) và Guien (Tây Ninh)
  13. ^ “Quyết định 115-CP năm 1979 về việc đổi tên huyện Phú Khương tỉnh Tây Ninh thành huyện Hòa Thành”.
  14. ^ “Quyết định 48-HĐBT năm 1989 về việc phân vạch địa giới hành chính các huyện Tân Biên, Dương Minh Châu và thành lập huyện Tân Châu thuộc tỉnh Tây Ninh”.
  15. ^ “Nghị quyết 135/NQ-CP năm 2013 về việc thành lập các phường Ninh Sơn, Ninh Thạnh thuộc thị xã Tây Ninh và thành lập thành phố Tây Ninh thuộc tỉnh Tây Ninh”.
  16. ^ a b “Nghị quyết số 865/NQ-UBTVQH14 năm 2020 về việc thành lập thị xã Hòa Thành, thị xã Trảng Bàng và thành lập các phường, xã thuộc thị xã Hòa Thành, thị xã Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh”.
  17. ^ Ban chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở trung ương. “Dân số đến 01 tháng 4 năm 2019 - tỉnh Tây Ninh”. Bản gốc lưu trữ ngày 21 tháng 8 năm 2021. Truy cập ngày 7 tháng 8 năm 2020.
  18. ^ “Quyết định 241/QĐ-TTg 2021 Kế hoạch phân loại đô thị toàn quốc giai đoạn 2021 2030”. Thư viện pháp luật. 24 tháng 2 năm 2021. Truy cập ngày 22 tháng 1 năm 2023.
  19. ^ “Dân số các tỉnh Việt Nam năm 2018”. Tổng cục Thống kê Việt Nam. Truy cập Ngày 30 tháng 9 năm 2019.
  20. ^ “Tình hình kinh tế, xã hội Tây Ninh năm 2018”. Báo Tây Ninh, Đảng bộ Tây Ninh. Bản gốc lưu trữ ngày 20 tháng 4 năm 2021. Truy cập Ngày 12 tháng 10 năm 2019.
  21. ^ XV (19 tháng 11 năm 2022). “Năm 2022: Tây Ninh có nhiều điểm sáng về kinh tế - xã hội”. Cổng thông tin điện tử Tây Ninh. Truy cập ngày 29 tháng 12 năm 2022.
  22. ^ a b Cường Nguyễn (17 tháng 12 năm 2022). “Tây Ninh: Phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn”. Báo Thế giới và Việt Nam. Truy cập ngày 28 tháng 12 năm 2022.
  23. ^ Thanh Tân (18 tháng 1 năm 2020). “Khai trương cáp treo dài gần 2km lên núi Bà Đen”. Báo Tuổi Trẻ. Truy cập ngày 8 tháng 1 năm 2023.
  24. ^ a b Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Tây Ninh 03 tháng đầu năm 2012[liên kết hỏng], Cổng thông tin Tỉnh Tây Ninh.
  25. ^ Tây Ninh: GDP bình quân đầu người đạt gần 1.400 USD, Báo Tiền Phong.
  26. ^ a b Thống kê về Giáo dục Việt Nam, Niên giám thống kê 2011, Theo tổng cục thống kê Việt Nam
  27. ^ Đề nghị công nhận người Tà Mun là dân tộc thứ 55 - Tuổi Trẻ Online
  28. ^ Thu Trang (12 tháng 2 năm 2022). “Tây Ninh dẫn đầu cả nước về lượng khách đến trong dịp Tết”. Báo Lao động. Truy cập ngày 28 tháng 12 năm 2022.
  29. ^ “Đẩy mạnh phát triển sản phẩm du lịch lễ hội, tín ngưỡng”. Truyền hình Tây Ninh. 25 tháng 1 năm 2023. Truy cập ngày 26 tháng 1 năm 2023.
  30. ^ Diện tích, dân số và mật độ dân số năm 2011 phân theo địa phương, Theo Tổng cục thống kê Việt Nam.
  31. ^ Dân số thành thị trung bình phân theo địa phương, Theo Tổng cục thống kê Việt Nam.
  32. ^ Dân số nông thôn trung bình phân theo địa phương, Theo Tổng cục thống kê Việt Nam.
  33. ^ Dân số nam trung bình phân theo địa phương, Theo Tổng cục thống kê Việt Nam.
  34. ^ Dân số nữ trung bình phân theo địa phương, Theo Tổng cục thống kê Việt Nam.
  35. ^ Tỷ lệ tăng tự nhiên dân số phân theo địa phương, Theo Tổng cục thống kê Việt Nam.
  36. ^ a b Kết quả toàn bộ Tổng điều tra Dân số và Nhà ở Việt Nam năm 2009, Tổng cục Thống kê Việt Nam.
  37. ^ Ngọc Tân (11 tháng 10 năm 2022). “Đề xuất xây thêm 2 sân bay tại Tây Ninh, Hà Giang”. ZingNews. Truy cập ngày 24 tháng 12 năm 2022.
  38. ^ Hồ Sơn Đài (14 tháng 10 năm 2010). “Trung tướng Nguyễn Văn Chia và cuốn hồi ký chưa kịp viết”. Sài Gòn Giải Phóng. Truy cập ngày 28 tháng 1 năm 2023.
  39. ^ Kim Anh (5 tháng 1 năm 2023). “Chân dung Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang”. VOV. Truy cập ngày 5 tháng 1 năm 2023.
  40. ^ Linh Đoan (8 tháng 6 năm 2022). “Nhiều nghệ sĩ cải lương tên tuổi tham gia show của nghệ sĩ Bảo Quốc”. Báo Tuổi Trẻ. Truy cập ngày 28 tháng 1 năm 2023.
  41. ^ Thanh Chi (26 tháng 6 năm 2022). “Ngọc Châu: Từ quán quân Next Top Model đến ngôi vị Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam”. Báo Thanh Niên. Truy cập ngày 28 tháng 1 năm 2023.

Liên kết ngoài

[sửa | sửa mã nguồn]